Báo cáo phát triển con người HDR 2019
Báo cáo Phát triển Con người năm 2019 trình bày HDI 2018 (giá trị và thứ hạng) của 189 quốc gia và vùng lãnh thổ được Liên hợp quốc công nhận, cùng với IHDI của 150 quốc gia, GDI của 166 quốc gia, chỉ số GII của 162 quốc gia và MPI của 101 quốc gia.
Phương pháp tiếp cận dựa trên phát triển con người xem việc mở rộng quyền tự do của con người vừa là mục đích, vừa là phương tiện chính cho phát triển bền vững. Bất bình đẳng trong phát triển con người gây tổn hại cho xã hội, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và lòng tin của người dân vào chính phủ, vào thể chế và với những người khác.
Chỉ số Phát triển Con người (HDI)
HDI là một phương pháp đo lường tổng hợp để đánh giá sự tiến bộ lâu dài trong 03 chiều cạnh cơ bản trong phát triển con người gồm: cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh, tiếp cận tri thức và tiêu chuẩn sống tốt. Cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh được đo lường bằng tuổi thọ. Trình độ kiến thức được đo bằng số năm đi học trung bình trong nhóm dân số trưởng thành - đây là số năm đi học trung bình trong đời của những người từ 25 tuổi trở lên; và tiếp cận với học tập và tri thức được tính theo số năm đi học dự kiến ở trẻ trong độ tuổi đi học - con số này là tổng số năm đi học của một đứa trẻ trong độ tuổi đi học có thể nhận được nếu xu hướng của tỷ lệ nhập học theo độ tuổi vẫn giữ nguyên trong suốt cuộc đời của trẻ. Tiêu chuẩn sống được đo bằng Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người thể hiện bằng đồng đô la quốc tế năm 2011 được chuyển đổi bằng tỷ lệ sức mua tương đương (PPP).
Các chỉ số thành phần của HDI
- Chỉ số Phát triển Con người (HDI)
- Tuổi thọ kỳ vọng khi sinh (năm)
- Số năm đi học dự kiến (năm)
- Số năm đi học trung bình (năm)
- Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người (2011 PPP $)
HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng (IHDI)
HDI là thước đo trung bình các thành tựu phát triển con người cơ bản của mỗi quốc gia. Giống như tất cả các mức trung bình khác, HDI làm ẩn đi sự bất bình đẳng trong phân phối phát triển con người trên toàn dân ở cấp quốc gia. Báo cáo Phát triển Con người năm 2010 đưa ra IHDI, trong đó tính đến sự bất bình đẳng trong cả ba chiều cạnh của HDI bằng cách “giảm” giá trị trung bình của mỗi chiều cạnh theo mức độ bất bình đẳng của chiều cạnh đó. IHDI về cơ bản là HDI bị giảm đi do bất bình đẳng. Sự “mất mát” trong phát triển con người do bất bình đẳng được tính bằng sự khác biệt giữa HDI và IHDI, và có thể được biểu thị bằng phần trăm. Khi bất bình đẳng của một quốc gia tăng lên, sự mất mát trong phát triển con người cũng tăng lên. Chúng tôi cũng đưa ra hệ số bất bình đẳng con người như là thước đo trực tiếp của bất bình đẳng, là trung bình không trọng số của bất bình đẳng theo ba chiều cạnh. Các IHDI được tính cho 150 quốc gia
Chỉ số Phát triển Giới (GDI)
Trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2014, HDRO đã giới thiệu phép đo mới - Chỉ số Phát triển Giới (GDI), dựa trên HDI phân theo giới tính, được định nghĩa là tỷ lệ giữa HDI của nữ giới và nam giới. GDI đo lường bất bình đẳng giới trong thành tựu của ba chiều cạnh cơ bản trong phát triển con người, gồm: sức khỏe (đo bằng tuổi thọ kỳ vọng khi sinh của nam và nữ), giáo dục (đo bằng số năm đi học dự kiến ở trẻ nam và nữ, và số năm đi học trung bình của người nam và nữ từ 25 tuổi), và sở hữu nguồn lực kinh tế (đo bằng GNI bình quân đầu người của nam và nữ).
Chỉ số bất bình đẳng giới (GII)
Báo cáo Phát triển Con người năm 2010 giới thiệu Chỉ số bất bình đẳng giới (GII). Chỉ số GII phản ánh sự bất bình đẳng dựa trên giới theo ba chiều cạnh gồm - sức khỏe sinh sản, trao quyền và hoạt động kinh tế. Sức khỏe sinh sản được đo bằng tỷ lệ tử vong của bà mẹ và tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên; trao quyền được đo bằng tỷ lệ số ghế quốc hội do phụ nữ nắm giữ và trình độ học vấn trung học và đại học theo từng giới; hoạt động kinh tế được đo bằng tỷ lệ tham gia thị trường lao động của phụ nữ và nam giới. GII có thể được hiểu là mức giảm đi trong phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ trong ba chiều cạnh của GII.
- Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ
- Tỷ lệ sinh ở trẻ vị thành niên
- Số ghế trong quốc hội
- Dân số với ít nhất trình độ giáo dục trung học
- Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động
Chỉ số nghèo đa chiều (MPI)
Báo cáo Phát triển Con người năm 2010 đã giới thiệu MPI, trong đó xác định các thiếu hụt chồng chéo mà các cá nhân phải đối mặt ở 03 chiều cạnh gồm: sức khỏe, giáo dục và tiêu chuẩn sống. Các chiều cạnh về y tế và giáo dục được tính dựa trên 02 chỉ số, trong khi tiêu chuẩn sống được tính dựa trên 06 chỉ số. Tất cả các chỉ số cần thiết để xây dựng MPI cho một quốc gia được lấy từ cùng một khảo sát hộ gia đình. Các chỉ số được tính trọng số để tính ra số điểm về sự nghèo, và số điểm này sẽ được tính cho từng cá nhân trong khảo sát. Mức điểm nghèo 33,3% (1/3 các chỉ số theo trọng số) là mức sử dụng để phân biệt giữa người nghèo và người không nghèo. Nếu điểm nghèo từ 33,3% trở lên, hộ gia đình đó (và mọi người trong gia đình) được phân loại là nghèo đa chiều. Các cá nhân có điểm nghèo lớn hơn hoặc bằng 20% tới dưới 33,3% được phân loại là có nguy cơ nghèo đa chiều. Cuối cùng, các cá nhân có điểm nghèo lớn hơn hoặc bằng 50% là những người sống trong tình trạng nghèo đa chiều nghiêm trọng. MPI được tính cho 101 quốc gia đang phát triển trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2019.
Lưu ý về cách đo và nguồn dữ liệu cho chỉ số nghèo đa chiều (MDP) quốc gia:
Chỉ số MDP quốc gia có 05 chiều cạnh và 10 chỉ số gồm:
- Sức khỏe (chỉ số: tiếp cận dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế),
- Giáo dục (chỉ số: giáo dục trong nhóm người lớn và tỷ lệ đi học ở trẻ em),
- Nhà ở (chỉ số: chất lượng nhà ở và khu vực sinh sống),
- Nước và vệ sinh (chỉ số: nguồn nước và nhà xí) và
- (v) Tiếp cận thông tin (chỉ số: sử dụng dịch vụ và tài nguyên truyền thông để tiếp cận thông tin).
Mỗi chiều cạnh có trọng số bằng nhau (1/5) và mỗi chỉ số trong mỗi chiều cạnh cũng có trọng số như nhau (1/10). Mỗi hộ gia đình không đạt tới ngưỡng tối thiểu ở một chỉ số được xác định là thiếu trong hụt về chỉ số đó và mỗi người sống trong hộ đó cũng được xem là thiếu hụt trong chỉ số này. MPI quốc gia được tính toán bằng phương pháp Alkire-Foster, các hộ gia đình được xác định là nghèo đa chiều nếu họ thiếu ít nhất 03 trong 10 MPI có trọng số. Nói cách khác, một hộ gia đình nghèo được coi là nghèo đa chiều nếu điểm nghèo có trọng số của họ từ 30% trở lên. Nguồn dữ liệu để tính toán thống kê nghèo đa chiều từ Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam được thực hiện thường xuyên hai năm một lần từ năm 2000 cho phép theo dõi xu hướng của cả nghèo về tiền tệ và nghèo đa chiều.
Nguồn: https://www.vn.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/hdr%20overview.pdf